Mít, nhãn, chanh tại các tỉnh miền Tây hiện tăng giá gấp 2 đến 4 lần so với thời điểm nông sản ùn ứ do kiểm soát đi lại.
Giá chanh mua tại vườn tăng lên 7.000-8.000 đồng một ký, trong khi thời điểm giá thấp nhất chỉ 2.000 đồng mỗi ký, thậm chí không bán được. Ông Phạm Minh Cường, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ chanh Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cho biết giá chanh tăng khi giao thương thuận lợi, các thị trường lớn như TP HCM hút hàng hơn trước. Hợp tác xã đang liên kết tiêu thụ 70 ha của thành viên, hiện mỗi ngày giao 500-700 ký cho các tỉnh Đông Nam bộ.
Theo những người trồng chanh, nhà vườn thường xử lý chanh cho ra vào mùa nắng, thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 4. Vụ thuận sau đó, chanh ra hoa tự nhiên nên giá thành cũng thấp hơn.
Trung bình một công (1.000 m2) chanh chính vụ cho năng suất từ 2-4 tấn, người trồng có lãi khoảng 40 triệu đồng mỗi công nếu giá bán trung bình khoảng 20.000 đồng mỗi ký. Tổng diện tích chanh toàn tỉnh Đồng Tháp hơn 1.900 ha, sản lượng trung bình khoảng 24.000 tấn.
Một loại nông sản khác cũng tăng giá là mít thái, lên 30.000 đồng mỗi ký với mít loại 1, còn loại 2 giá 19.000 đồng, mít chợ giá 4.000 đồng. Mức giá này cao gấp 4 lần so với lúc mít ùn ứ cách đây 4 tháng.
Ông Nguyễn Văn Phát, trồng gần 1 ha mít Thái ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết, giá mít tăng, việc đi lại dễ dàng, nhiều thương lái mua mít hoạt động trở lại. “Hai đợt cắt mít vừa rồi tôi bán được 15 triệu đồng. Giá tăng nên dễ bán hơn”, ông Phát cho biết.
Diện tích trồng mít thái tại Đồng Tháp đang tăng khi năm 2020 có khoảng 2.600 ha, tăng gấp đôi so với năm 2019. Trong khi đó, tổng diện tích mít ở các tỉnh phía Nam trong giai đoạn nuôi trái và thu hoạch khoảng 39.000 ha, vượt diện tích nhiều loại cây ăn trái chủ lực như sầu riêng (36.100 ha), thanh long (25.300 ha), chôm chôm (19.500 ha), nhãn (30.200 ha)…
Tương tự, nhãn edor mua tại vườn cũng tăng giá gấp đôi, dao động từ 12.000-14.000 đồng mỗi ký. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Hội quán Canh Tân, xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết, với giá bán này nhà vườn đã có lời.
“Khoảng 1 tháng nữa, nhiều vườn nhãn ở Châu Thành sẽ vào vụ thu hoạch, hy vọng bán được giá để nông dân gỡ gạc vụ thua lỗ lần trước”, ông Thuận nói. Diện tích nhãn toàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 5.500 ha với sản lượng khoảng 53.000 tấn.