Nhận thức và hành động đúng về sản xuất nông sản sạch

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tăng cường phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất nông sản sạch. Qua đó, từng bước tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của nông dân về vấn đề này.

ATTP là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với sức khỏe người dân. Bởi lẽ, thực phẩm an toàn sẽ tạo nên nguồn dinh dưỡng tốt giúp con người cải thiện sức khỏe, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. ATTP không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người mà còn liên quan đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, du lịch, an sinh xã hội…

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng thực phẩm của con người tăng cao, vấn đề ATTP đang được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc sử dụng hóa chất cấm trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản nông sản, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Một trong những giải pháp đang được đẩy mạnh hiện nay là tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân để nông dân sản xuất ra nông sản sạch, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người dùng.

Thực hiện Nghị quyết số 27 của Hội Nông dân Việt Nam về “Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm”, đầu năm đến nay, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ chi, tổ hội, hội viên, nông dân về ATTP. Phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức cho nông dân thực hiện cam kết sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATTP. Việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện các quy định về ATTP trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, bảo quản nông sản luôn được các cấp hội đẩy mạnh thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Từ đó, nhận thức của hội viên, nông dân về ATTP có nhiều chuyển biến.

Từ năm 2014, bà con nông dân xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, đã tập trung phát triển mạnh mẽ diện tích trồng mãng cầu xiêm. Đến nay, loại cây này trở thành cây trồng chủ lực cho giá trị kinh tế cao của địa phương. Những ngày đầu phát triển mô hình, người dân chưa chú trọng nhiều đến việc ứng dụng các phương pháp sản xuất tiến bộ nhằm nâng cao chất lượng trái, nhất là việc tạo ra sản phẩm sạch.

Qua tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân, các ngành chuyên môn, hiện nay, người dân trồng mãng cầu ở Hòa Mỹ có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức để tạo ra trái mãng cầu đạt chất lượng ATTP.

Ông La Văn Nhiều, ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, cho biết: “Vấn đề ATTP hiện đang được rất nhiều người quan tâm. Việc nông dân sản xuất ra nông sản an toàn sẽ giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường. Nhận thức rõ vấn đề này, khoảng 4 năm trở lại đây, nông dân trồng mãng cầu chúng tôi đã chủ động chuyển đổi việc sử dụng phân, thuốc hóa học sang các loại hữu cơ, vi sinh, đồng thời ứng dụng kỹ thuật bao trái nhằm hạn chế sâu bệnh và việc sử dụng thuốc diệt sâu, điều trị bệnh khi trái lớn. Do đó, trái mãng cầu khi thu hoạch đều đảm bảo chất lượng an toàn cho người tiêu dùng”.

Không dừng lại ở việc áp dụng kỹ thuật bao trái, hiện nay, bà con nông dân xã Hòa Mỹ đang chuẩn bị thực hiện quy trình sản xuất theo GlobalGAP.

Ông Võ Văn Phải, Giám đốc Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, cho biết: “Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh bắt đầu triển khai cho thành viên hợp tác xã đăng ký thực hiện GlobalGAP. Theo đó, sẽ có 40/78ha mãng cầu của hợp tác xã sẽ được thực hiện. Nếu được công nhận GlobalGAP, trái mãng cầu xiêm của hợp tác xã không chỉ có khả năng cạnh tranh thị trường trong nước mà còn đạt chuẩn xuất khẩu nước ngoài nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi”.

Theo ông Phải, qua nhiều lần được tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn của hội nông dân, ngành nông nghiệp tổ chức, hầu hết các thành viên Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ đã rất ý thức trong tạo ra trái mãng cầu có chất lượng tốt nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời góp phần giữ gìn thương hiệu “Mãng cầu Hậu Giang”. Các thành viên rất kỹ lưỡng trong lựa chọn phân bón, thuốc trừ bệnh cho cây, bên cạnh công dụng của các loại phân, thuốc cần dùng thì vấn đề luôn ưu tiên khi chọn lựa những sản phẩm đó là phải có tính an toàn cao, không chất cấm, chất độc hại…

Theo Hội Nông dân tỉnh, từ đầu năm đến nay, thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng, các cấp hội đã tổ chức cho hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện hơn 91.000 bản cam kết kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hội đã mở 24 lớp tập huấn tuyên truyền sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, tập huấn áp dụng nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, chú trong kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết phù hợp cho 2.720 cán bộ hội, nông dân.

Qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn đã tác động tích cực đến nhận thức của nông dân. Họ đã ngày càng tuân thủ tốt các quy trình sản xuất, chế biến nông sản đảm bảo ATTP, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người sử dụng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0909.885.365