Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước và là “vựa lúa” của Việt Nam.
Đóng góp lớn nhưng nhiều rủi ro
Nói đến ĐBSCL chúng ta nghĩ ngay đến vùng miền Tây sông nước, là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 95% lượng gạo, gần 65% lượng thủy sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu. Sinh kế của đa số người dân trong vùng phần lớn gắn bó mật thiết với khu vườn, mảnh ruộng, dòng sông quanh nhà và hiệu quả mang lại từ sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp không chỉ tác động trực tiếp về mặt kinh tế, mà còn ảnh hưởng tích cực đến môi trường sống, sức khỏe, tuổi thọ cư dân hiện tại và các thế hệ con cháu sau này. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, và có thể được xem là “vựa lúa” của Việt Nam. Vấn đề này vừa là trách nhiệm nhưng đồng thời cũng phản ánh tiềm năng, lợi thế của vùng trong sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp khu vực ĐBSCL trong thời gian qua đóng góp khoảng 32% GDP toàn ngành nông nghiệp, góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia và đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Mặc dù chỉ chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước nhưng ĐBSCL là vùng đóng góp nhiều nhất vào thặng dư thương mại của Việt Nam, năm 2020 chiếm 47,4% thặng dư thương mại cả nước; năm 2021, xuất siêu khoảng 8 tỉ USD, trong khi cả nước xuất siêu khoảng 4 tỉ USD.
Tuy vậy, tương quan giữa các số liệu tích cực nêu trênvà sự phát triển bền vững khu vực ĐBSCL chưa thật sự bền chặt. Tăng trưởng kinh tế vùng đang chậm lại; tỷ trọng xuất khẩu có xu hướng giảm; hạ tầng giao thông vận tải chậm phát triển; thiếu các trung tâm logistics lớn; vấn đề biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn… tác động ngày càng nặng nề đến người dân.
Song song đó, thị trường hàng nông sản Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng chủ yếu xuất khẩu. Ngoài một số chủng loại nông sản qua chế biến, đa số vẫn xuất khẩu dạng tươi. Nhiều nông sản trái cây như thanh long, mít, sầu riêng… phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu tiểu ngạch do thủ tục dễ dàng, thuế suất thấp, không cần hóa đơn, chứng từ hay hợp đồng ngoại thương, chi phí vận chuyển thường cũng thấp hơn so với xuất khẩu chính ngạch.
Tuy nhiên, với hình thức xuất khẩu này, nông sản Việt Nam không những chịu nhiều rủi ro do khả năng bị ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu mỗi khi đối tác ngừng thu mua hoặc thay đổi quy chuẩn nhập khẩu, mà còn dễ bị chèn ép giá trong quá trình giao dịch, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và thu nhập của bà con nông dân. Đồng thời, với việc kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của người dân các nước ngày càng được nâng cao thì yêu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp cũng ngày một khắt khe.
Các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam cũng đã bắt đầu tăng cường kiểm soát chất lượng các mặt hàng nông sản nhập khẩu, quy định về tiêu chuẩn bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm… Tất cả những ràng buộc, khó khăn này tuy vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội, tạo động lực để thúc đẩy ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL có bước chuyển mạnh mẽ, thực chất, hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, góp phần tạo điều kiện để bà con nông dân vùng ĐBSCL nâng cao thu nhập, trở nên khá giả trên chính mảnh đất đã gắn bó với họ bao đời nay.
Giải pháp tháo nút thắt là gì?
Để giải quyết bài toán đặt ra nêu trên, việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch là một trong những giải pháp khả thi, vừa góp phần ổn định thị trường đầu ra cho nông sản, vừa có thể tạo điều kiện để chuỗi giá trị hàng nông sản vùng ĐBSCL phát triển theo hướng bền vững.