Đầu tháng 6 vừa qua, nhiều nhà vườn trồng ổi ở huyện Cao Lãnh phấn khởi khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu chứng nhận “Ổi lê Cao Lãnh” cho các sản phẩm mang nhãn hiệu: ổi lê sấy dẻo, ổi lê sấy khô, quả ổi lê tươi, nước ép ổi lê. Ổi lê là nông sản thứ 7 của huyện Cao Lãnh được cấp nhãn hiệu chứng nhận sau các sản phẩm: chanh Cao Lãnh, xoài Cao Lãnh, xoài cát chu Cao Lãnh, cá điêu hồng Bình Thạnh, tôm càng xanh Nhị Mỹ, gạo sạch Cao Lãnh. Hiện, nhãn hiệu chứng nhận “Ổi lê Cao Lãnh” đang được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cao Lãnh quản lý và sẽ chuyển giao cho các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác canh tác ổi đủ điều kiện trên địa bàn huyện.
Hiện tại, toàn huyện Cao Lãnh có khoảng 518ha ổi lê đang được canh tác theo tiêu chuẩn an toàn và hướng hữu cơ với sản lượng bình quân khoảng 20.720 tấn/năm. Đặc biệt, nhằm giúp cho sản phẩm ổi lê của địa phương thuận lợi hơn khi tham gia xuất khẩu, ngành nông nghiệp huyện Cao Lãnh hỗ trợ nông dân xây dựng 2 vùng trồng (5 mã số) với diện tích 27,7ha. Diện tích canh tác ổi của huyện Cao Lãnh tập trung chủ yếu tại các xã: Mỹ Hiệp, Mỹ Long, Bình Thạnh, Bình Hàng Tây, Bình Hàng Trung, Mỹ Thọ, Tân Hội Trung, Mỹ Hội, An Bình.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh, việc được cấp chứng nhận nhãn hiệu là nền tảng quan trọng trong việc giúp sản phẩm ổi lê của nông dân huyện Cao Lãnh đến gần hơn với thị trường. Thông qua nhãn hiệu chứng nhận cũng là cách để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đúng sản phẩm ổi lê có nguồn gốc xuất xứ, góp phần xây dựng thương hiệu “Ổi lê Cao Lãnh” tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện, ngành nông nghiệp huyện Cao Lãnh đang tiếp tục vận động nông dân sản xuất ổi lê theo các tiêu chuẩn an toàn và thực hiện cấp mã số vùng trồng cho các diện tích canh tác ổi đảm bảo tiêu chuẩn quy định.
Là một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm ổi tươi tại huyện Cao Lãnh, Công ty TNHH Nông sản và Du lịch Thiên Phú đặt nhiều kỳ vọng nhãn hiệu chứng nhận “Ổi lê Cao Lãnh” sẽ mang đến sự đột phá mới cho sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Minh – Giám đốc Công ty Công ty TNHH Nông sản và Du lịch Thiên Phú (xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh) bày tỏ: “Thời gian qua, sản phẩm ổi lê của huyện Cao Lãnh đang dần chiếm được nhiều cảm tình của người tiêu dùng nội địa. Hiện tại, sản phẩm ổi lê của công ty có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và cung cấp cho các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi ở TP HCM, các tỉnh miền Đông. Đặc biệt, thời gian gần đây, một số đối tác đặt vấn đề cung cấp ổi xuất khẩu sang thị trường một số nước Trung Đông. Do đó, việc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận sẽ giúp củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng dành cho sản phẩm “Ổi lê Cao Lãnh”, góp phần tạo thêm cơ hội cho loại nông sản thế mạnh này của địa phương phát triển.
Với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Cao Lãnh rất quan tâm đến việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương như: xoài Cao Lãnh, xoài cát chu Cao Lãnh… được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Từ nền tảng của thương hiệu nông sản, nhiều nông dân trồng xoài trên địa bàn huyện bắt đầu chuyển hướng sang phát triển kinh tế nông nghiệp thay cho mô hình sản xuất nông nghiệp thuần túy trước đây.
Ông Huỳnh Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, cho biết, xác định ổi là một trong những ngành hàng tiềm năng góp phần trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, do đó, thời gian qua, huyện Cao Lãnh thực hiện nhiều giải pháp giúp cho ngành hàng này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Trong đó, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Ổi lê Cao Lãnh” là nền tảng cần thiết để thúc đẩy chuỗi giá trị ngành hàng phát triển hơn trong thời gian tới. Để khai thác và phát huy tốt giá trị của nhãn hiệu chứng nhận “Ổi lê Cao Lãnh” như kỳ vọng vẫn cần có sự nỗ lực bền bỉ của nhiều phía; trong đó, nhà vườn cần tuân thủ các kỹ thuật canh tác an toàn, bền vững theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Đồng thời việc đẩy mạnh hoạt động chế biến, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cũng là yếu tố cốt lõi để nông sản địa phương phát triển bền vững với thị trường…
(Nguồn: Báo Đồng Tháp)
- Thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Quan tâm xây dựng và phát triển nhãn hiệu nông sản địa phương
- Hậu Giang: Khởi công nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn ở miền Tây
- Nâng cao hiệu quả sản xuất từ phát triển nông nghiệp hữu cơ
- Mã số vùng trồng, chìa khóa mở cửa cho nông sản Kiên Giang xuất ngoại